Bé Ký – nữ họa sĩ dân gian

Nữ sĩ – Sương Nguyệt Ánh
̣[Họa sĩ Bé Ký vẽ]

Bé Ký – nữ họa sĩ dân gian

Chương trình được Mặc Lâm trình bày sau đây…From RFA nói về Bé ký – nữ họa sĩ dân gian (11/29/2008):

Chương trình văn học nghệ thuật tuần này mời quý vị theo dõi cuộc đời và sự nghiệp của một nữ họa sĩ mà tên tuổi của bà đã gắn liền với tính cách chân quê, mộc mạc của làng xóm Việt Nam, đó là nữ họa sĩ Bé Ký.

[Bé Ký tên thật là Nguyễn Thị Bé, sinh năm 1938 tại Hải Dương. Bà mồ côi cha mẹ từ rất sớm và lưu lạc vào Sài Gòn khi mới lên 9. Những kỷ niệm mà bà còn giữ được cho tới ngày nay về những người đã bảo bọc cho bà từ thời thơ ấu được bà kể lại:

“Đầu tiên cuộc đời của tôi, tôi làm con nuôi của một ông họa sĩ. Ông Trần văn Thọ phát giác ra tôi. Ông bảo, cái cháu này có khiếu về hội họa…”

Nói về cái bút hiệu Bé Ký của mình bà cho biết:

“Tôi tên là Nguyễn Thị Bé, ông bố nuôi tôi bảo:Bé, mày ký vào đấy, tức là Bé Ký!”

 

Tôi tên là Nguyễn Thị Bé, ông bố nuôi tôi bảo:Bé, mày ký vào đấy, tức là Bé Ký!

Họa sĩ Bé Ký

Đậm chất dân gian

Đơn giản đến như vậy tưởng không còn cách nào đơn giản hơn. Mà thật vậy, cuộc đời của người nữ họa sĩ này cũng đơn giản như bút tích của bà trên từng khung vải. Nét vẽ của Bé Ký là cả một câu hỏi lớn cho người thưởng ngoạn, bởi lẽ tranh của bà quá đơn sơ, hồn nhiên mà lại đầy sức sống. Tranh Bé Ký đặc sắc ở nét. Nét của Bé Ký lại đứng rất riêng, rất cường tráng nhưng lại ngọt ngào ca dao tục ngữ. Xem tranh Bé Ký một lần sau đó không thể lầm tranh của bà với bất cứ tranh của ai khác. Hình như bà đã khắc con triện của mình bên dưới từng chi tiết khiến các đường viền khỏe khoắn không thể lẫn vào đâu được. Có một dạo, người ta cho là tranh của bà quá đơn sơ, gần với loại tranh dân gian và do đó khó thể gọi là tuyệt tác để được treo trong một viện bảo tàng nào đó. Nhận xét như vậy chỉ đúng một phần, cái phần cốt lõi là tranh của bà đậm chất dân gian nhưng không phải vì thế mà âm hưởng nghệ thuật của tranh Bé Ký thiếu chất kinh điển.

Triển lãm tranh từ năm 1957

Nhiều chục năm về trước, đang lúc còn là một cô gái nhỏ nhắn chưa hề học qua một trường lớp hội họa nào Bé Ký đã rón rén bước chân vào một phòng triển lãm tầm cỡ vào lúc ấy tại Sài Gòn, tức vào năm 1957 tại Pháp Văn Đồng Minh Hội. Bà kể lại việc mình được cho phép triển lãm tại đây như sau:

“Cuộc triển lãm đầu tiên của tôi là tôi vẽ chì than, tôi vẽ chân phương. Thế rồi ông Dervan, người chuyên viết phê bình nghệ thuật thấy tranh của tôi và ông ấy cho triển lãm trong năm đó.”

Đơn giản nhưng sâu sắc

Tranh Bé Ký không cầu kỳ đã đành mà lại cũng không đánh đố người xem. Vài nét chì than hay mực tàu viền chung quanh một nhân vật hay chủ thể cộng với ít chi tiết chung quanh là đã trở thành Bé Ký. Thực ra tranh Bé Ký tuy đơn giản nhưng rất sâu sắc, đặc biệt khi bà chọn miêu tả các góc cạnh của nhân vật. Tính chọn lọc trong tranh của bà rất dễ thấy vì mọi nét dù lớn hay nhỏ đều đánh thức những mầm sống bên trong khiến cho chúng cọ quậy như đang đòi quyền được phát biểu. Khi đậm khi nhạt, khi mỏng khi dầy, nét vẽ của Bé Ký uyển chuyển linh động như nét múa của các vũ công đang cố tìm một động tác quyến rũ. Người xem tranh Bé Ký rất dễ bị thuyết phục bởi ngôn ngữ chân quê mà bà phủ lên. Đây là một đám trẻ quây quần chung quanh một cuộc chọi gà, kia là những cô gái chàng trai đang vui lễ hội, hay những phiên chợ quê đầy màu sắc nay chỉ còn trong trí tưởng tượng của mọi người …

Tranh Bé Ký miêu tả nhiều chủ đề nhưng đặc sắc nhất, ấn tượng nhất vẫn là tranh bà vẽ miêu tả tình mẫu tử. Hàng chục bức tranh dưới dạng này được bà vẽ đi vẽ lại không mệt mõi. Hình như trời sinh ra Bé Ký chỉ để vẽ tranh và làm mẹ, ngoài ra bà không cần gì khác. Tranh vẽ mẹ con của bà cũng chân quê như những đề tài khác nhưng đâu đó toát ra nét hiền dịu trẻ thơ cùng hạnh phúc ngất trời của người mẹ nhìn con mình say ngủ hay chập chững những bước đi đầu đời.

Đối với Bé Ký, bà phác họa những chuyển động tích tắc của sự việc rồi từ từ biến những chuyển biến đó thành hơi thở, thành động tác và thành những sản phẩm tuyệt đẹp. Những bức tranh của bà ở thời kỳ đầu không nhiều mầu sắc lắm và chúng được sáng tạo nhanh chóng bằng những phác thảo dọc đường của người nữ họa sĩ thích đi đây đó. Càng về sau tranh của bà đằm thắm hơn, và cũng ngọt ngào hơn khi chúng có những sắc diện khác. Sắc diện của bột màu và những tạo tác gây hiệu quả phụ bằng những cấu tạo đặc biệt cho nền tranh mà giới chuyên môn gọi là texture.

Mộc mạc chân quê

Bé Ký rất dè dặt khi mang màu sắc phủ lên chủ đề của mình. Bà dùng những gam màu điền dã của dòng tranh Đông Hồ và không ngập ngừng gì khi xử dụng rất nhiều chất liệu gốc phát xuất từ đất, từ vỏ xò hay tro than của tre già. Bé Ký kết hợp khéo léo màu sắc chân quê vào nét vẽ mộc mạc của mình khiến tranh bà trở nên đặc sắc lạ thường. Người xem tranh Bé Ký không sợ lạc vào mê hồn trận của trường phái của phong trào, bởi tranh của bà vốn như bà thường nói là rất nhà quê … Bà nhớ lại những ngày đầu khi bước chân vào cuộc chơi nghệ thuật tại Pháp Văn Đồng Minh Hội:

 

Trưng bày cá nhân của tôi hăm mấy cuộc triển lãm riêng còn triển lãm chung với chồng con thì nhiều đếm không xuể, người ta yêu mến tôi không phải vì tài năng mà vì tôi quê mùa quá …

Họa sĩ Bé Ký

“Khi mà người ta đến phỏng vấn này khác thì tôi thấy rất khích lệ nghề nghiệp của mình và thấy người ta rất thương yêu mình …”

Qua nhiều năm các cuộc triễn lãm tranh của Bé Ký không thể nào đếm hết nhưng bà vẫn tiếp tục vẽ như một thói quen không thể dừng lại. Bà cho biết nhiều người yêu mến bà không những vì tranh mà vì bởi tính tình của bà nữa:

“Trưng bày cá nhân của tôi hăm mấy cuộc triển lãm riêng còn triển lãm chung với chồng con thì nhiều đếm không xuể, người ta yêu mến tôi không phải vì tài năng mà vì tôi quê mùa quá …”

nhạc…

Người họa sĩ luôn tự nhận là quê mùa này có thể chưa biết rằng tranh của bà còn có khả năng làm dịu niềm thương nhớ quê hương của người xem tranh bà. Nơi quê người mà xem tranh Bé Ký không khác nào ngồi giữa phố Bolsa kêu ly cà phê sữa đổ ra chiếc đĩa và uống từ từ. Uống từng hớp một để nhớ những quán cóc của Sài Gòn ngày xưa cũng như những hình ảnh trong tranh Bé Ký có khả năng gợi nhớ những tất bật mưu sinh nhưng cũng êm ái như tuổi thơ ngồi bên vú mẹ …

Quý vị vừa theo dõi bài viết về nữ họa sĩ Bé Ký, kỳ tới chúng tôi xin giới thiệu họa sĩ Hồ Thành Đức người bạn đời tri kỷ của bà, cũng rất nổi tiếng trong lĩnh vực hội họa từ nhiều thập niên, mời quý vị đón theo dõi.]

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *