Bé ký [by Học Xá -2002]

Bé ký [by Học Xá -2002]

 

1) Theo ý bạn, thì hội họa ngày nay ở Việt Nam có những xu hướng nào đáng kể nhất, và riêng bạn hiện đã ngả về xu hướng nào hay bạn tự tìm lấy một đường lối riêng biệt?

2) Nếu có người cho rằng Hội họa phải có dân tộc tính thì có người lại cho rằng Hội họa cần phải được Quốc tế hóa. Theo ý bạn, hai lập luận trên đây có trái nghịch nhau không và bạn có nghiêng về lập luận nào không?

3) Xin bạn cho biết những công trình tìm kiếm và những kết quả của bạn trên địa hạt Hội họa.

4) Trong các họa phẩm của bạn, bức nào bạn cho là hợp hơn cả với đường lối riêng của bạn và xin bạn vui lòng giải thích rõ các đặc tính của tác phẩm đó.

5) Xin bạn cho biết ý kiến về tình trạng hiện tại và triển vọng của ngành Hội họa Việt Nam?

 

Tên thật: Nguyễn Thị Bé.

Sanh ngày rằm tháng 10 năm Kỷ Mão (nhằm ngày 25 tháng 11 năm 1939) tại tỉnh lị Hải Dương (Bắc Việt).

Năm 1954, được họa sĩ Trần Đắc thu nhận làm môn đệ, và nhờ các họa sĩ Văn Đen, Nhan Chí, Trần Văn Thọ chỉ dẫn thêm.

Đã theo lớp Hội họa hàm thụ của trường ABC ở Pháp.

Chuyên vẽ hoạt họa, ký họa.

Đã triển lãm tại:

Pháp văn Đồng minh hội (1957), phòng Triển lãm Đô thành do Hội Văn hóa Việt Nam tổ chức (1957),

Langbian palace, Đà Lạt (1958), Pháp văn Đồng minh hội (1958), phòng Triển lãm Đô thành do Hội Văn hóa Việt Nam tổ chức (1958).

Dự Triển lãm mùa xuân (1959-1960), và tranh “Nghe Đàn” đã được Sở Thông tin Huê Kỳ chọn đăng vào lịch của sở năm 1959.

Triển lãm tại công ty Việt Hà (1959-1960).

Tranh “Bà bán hàng rong” được nhà Mỹ thuật học vụ chọn gởi Triển lãm Hiệp Chủng Quốc (1960).

Dự cuộc Triển lãm do nghiệp đoàn Hội họa tổ chức (1960).

Dự cuộc Triển lãm do Văn hóa vụ tổ chức tại tòa Đô sảnh (1961).

Triển lãm tại Hotel Catinat (1961).

Bức “Thuyền chài nghỉ lưới” được Tưởng lệ danh dự Triển lãm mùa xuân 1961 …

Tôi nhìn người đối diện mà không khỏi ngạc nhiên.

Bảy năm qua mà cô thanh nữ giờ đây không khác mấy cô thiếu nữ bán tranh tự vẽ trên vỉa hè các đường còn mang tên Catinat, Bonard, Charner. Vẫn cái dáng ốm, thấp, vẫn cái mái tóc kẹp sau lưng, vẫn cái vẻ chất phác, hiền lành, từ tốn trong cử chỉ, trong lời. Chỉ khác một thoáng già dặn trong cái cười e ấp, trong cái nhìn thuần lương. Ngắm Bé Ký, người ta có ý nghĩ: nghệ thuật là cái gì ở tầm tay của mọi người, chớ không phải dành riêng cho một hạng người nào.

 

– Nguiễn Ngu Í: Tuổi ấu thơ của em chắc không được vui mấy?

Hai bàn tay xương xương, móng để tự nhiên và cắt bằng đầu, nắm lấy nhau và gương mặt đăm chiêu hơi nghiêng về trước.

Em mồ côi cha mẹ lúc còn nhỏ dại, vào vụ đói 1944, anh chị em thất lạc cả, chết sống thế nào nay em cũng chẳng biết. Nhờ ông bà Trần Đắc cám cảnh nuôi làm con, cho đi học.

 

– Nguiễn Ngu Í: Em thích vẽ từ đó?

Thưa ông, không ạ. Em thích vẽ trước khi học chữ. Rm vẽ chim, vẽ cò, thấy gì vẽ nấy và thích xem sách báo có hình. Chỉ khi em học trường Trí Tri ở Hải Phòng là khiếu vẽ của em mới nảy nở. Sau này, nghĩa phụ em mới dạy em.

Vừa lúc ấy, họa sĩ Trần Đắc bước vô, và cũng ngồi góp chuyện, tôi hỏi:

– Nguiễn Ngu Í: Ông dạy em Bé Ký vẽ, hẳn lúc đó ông thấy ở em nhiều hứa hẹn.

Cái khiếu vẽ của cháu, tôi biết từ lâu, nhưng tôi chỉ thật sự nhận cháu làm môn đệ lúc cháu được mười lăm tuổi. Tôi vốn chuyên về sơn mài, cháu phụ việc với tôi cùng một số trẻ khác. Nhưng chỉ có cháu là chịu khó nhất, và cần cù nhẫn nại chẳng ai bì. Có những đêm cháu thức đến một, hai giờ khuya để làm cho xong việc tôi giao. Tôi từng học trường Cao đẳng Mỹ thuật Hà Nội, từng lăn lộn trong nghề, thấy lắm gian nan, một người đi tắt cần phải bền chí lắm mới mong thành công được phần nào.

 

– Nguiễn Ngu Í: Thế thì ông bắt đầu dạy em theo lối nào?

Tự nhiên là không theo lối nhà trường. Tốn công, tốn thì giờ, mà khi ra đời những điều học hỏi dùng cũng chẳng được bao nhiêu. Tôi khuyên cháu nên theo con đường hoạt họa. Ghi nhanh chóng một dáng người, một hoạt cảnh, hợp với cái khiếu nhận xét của cháu hơn và cái tài sẵn có của cháu.

 

– Nguiễn Ngu Í: Ngoài ông ra, em có còn thọ giáo của ai nửa không?

Còn có trường hàm thụ ABC ở Pháp, và các anh bạn: Văn Đen, Nhan Chí, Trần Văn Thọ.

Đến đây, họa sĩ Trần Đắc có việc lên xưởng họa, tôi trở lại chuyện trò cùng Bé Ký.

 Nguiễn Ngu Í: Tôi thấy trong các bức vẽ của em, em hay chọn những đề tài lấy ngay ở cuộc sống quanh em, những cảnh, những người bình dân như “Ông già xem tướng, Người kéo nhị, Gánh phở, Cô bán hột vịt, Cô bán đu đủ, Em bé bá bong bóng đỏ, Lớp học bình dân”. Có phải vì tuổi thơ của em phải chịu thiệt thòi mà em thích vẽ những người xấu số, những kẻ phải lấy mồ hôi đổi lấy miếng ăn?

Một thoáng cười, vui buồn lẫn lộn.

Dạ, thưa ông nói đúng. Em mến những người lao động, những cảnh tay làm hàm nhai.

 

– Nguiễn Ngu Í: Thế thì dạo trước, tự em em muốn đi bán tranh dạo và đi vẽ dạo hay vì hoàn cảnh khiến thế.

Thưa ông, có cái này một chút, cái kia một chút. Đi bán và đi vẽ rong thế, em nuôi hai hy vọng: gặp những khách hàng người Pháp, và những họa sĩ ngoại quốc. Em mong một ngày kia được sang Pháp, sang Ý để xem, để học nên em có học chữ Pháp. Đọc thì đuợc mà nói thì khó. Đi bán rong em tự buộc mình ở vào cái thế phải mời khách, phải nói này nói nọ, dầu nói bập bẹ đi nữa. Nhờ thế, em trở nên dạn dĩ, và nói một ngày một thêm trôi chảy. Và em cũng gặp các họa sĩ Pháp có, Mỹ có, Ý có, Nhật có, mến chút tài em (vì lắm khi em vẽ tại chỗ ảnh họ để tự giới thiệu hoặc ghi nhanh những dáng điệu đặc biệt thoáng qua), họ hỏi chuyện, họ chỉ vẽ thêm, họ lại nhà để xem tranh em, rồi phê bình.Nhờ thế mà sự học vẽ của em tấn tới nhiều.

Nguiễn Ngu Í

(Phỏng vấn các họa sĩ về QUAN NIỆM HỘI HỌA,

Tạp chí Bách Khoa)

Triển lãm tại Chicago

 

Hội Người Việt tại tiểu bang Illinois đã tổ chức một cuộc triển lãm hội họa với những sáng tác rất mới của ông bà họa sĩ Hồ Thành Đức và Bé Ký tại trường Đại Học Harry S. Truman College, Chicago suốt một tháng từ 14 tháng Chín 2002 đến 12 tháng Mười 2002.

Hồ Thành Đức và Bé Ký đã dành ra một khoảng thời gian khá dài cả hơn một năm nay để nỗ lực sáng tạo ra những tác phẩm mới với khoảng 45 bức tranh đủ kích thước qua hai thể loại sơn dầu và tranh lụa. Cuộc triển lãm có tên Việt Nam Quê Hương Mến Yêu (My Beloved Vietnam). Hai họa sĩ đã có mặt trong buổi tiếp tân và khai mạc tại trường Đại Học Harry S. Truman College.

Tranh của hai họa sĩ đã được triển lãm nhiều nơi trên thế giới từ thập niên 1960. Họa sĩ Hồ Thành Đức sở trường về tranh sơn dầu thuộc trường phái Ấn tượng (Impressionist) đã từng đoạt nhiều huy chương về hội họa. Bà Bé Ký sở trường về tranh lụa với những nét vẽ độc đáo về những đề tài dân gian và trên đường phố, thật giản dị nhưng lại mang rất nhiều cá tính và dân tộc tính đã được nhiều khách thưởng ngoạn Việt Nam và ngoại quốc tán thưởng.

Sau khi định cư tại Hoa Kỳ từ năm 1989, hai họa sĩ tiếp tục hăng say sáng tác và đã triển lãm tranh ở nhiều nơi trên vùng Bắc Mỹ. Cuốn năm 2001, họa sĩ Hồ Thành Đức đã xuất bản một tập tranh tuyển chọn trong những tác phẩm sơn dầu đắc ý nhất của ông mang tựa đề Impressions In My Life (Ấn Tượng Trong Đời Tôi). Tập tranh in toàn màu trên giấy láng dầy thật đẹp và thật lộng lẫy với nhiều bài viết của các ký giả Hoa Kỳ như Eric Scigliano trên tờ Washington Post, Jennifer A. Bauman trên tờ Register và của Phòng Triển Lãm Irvine Fine Arts Center.

    1. Trong dịp tiếp xúc thân mật, họa sĩ Hồ Thành Đức có cho biết là trong dịp triển lãm tại Chicago này, nữ họa sĩ Bé Ký cũng là người bạn đời của ông sẽ cho ra mắt tập tranh tuyển chọn của bà với chủ đề Việt Nam Quê Hương Mến Yêu. Qua tập tranh này, khách thưởng ngoạn sẽ có cảm tưởng như đang sống với những nhân vật của đời thường của những ngày xưa cũ ở Việt Nam trên mỗi góc phố, trên mọi nẻo đường.Số tranh của hai họa sĩ (với giá gồm bốn con số) bán được trong dịp triển lãm này rất đáng kể. Chỉ mới trong thời gian khai mạc, sáu bức của Bé Ký và tám bức của Hồ Thành Đức đã có người mua, đó có thể là một con số kỷ lục đối với một phòng tranh của người Việt Nam tại hải ngoại. Họa sĩ Hồ Thành Đức đã nói với một nhà báo ở Chicago rằng ông rất ngạc nhiên và cảm động khi thấy một người tương đối còn trẻ tuổi đã mua bức Bồ Đề Đạt Ma của ông, một bức tranh ông nghĩ chỉ người lớn tuổi mới có thể hiểu và thưởng thức được. Cũng trong dịp này ông cho biết hiện nay tranh của ông có khuynh hướng về Thiền, và tiết lộ trong đầu thập niên 1960 ông hay vẽ Chúa trên cây thánh giá, đã được giải thưởng trong cuộc Triển lãm Công giáo Toàn quốc năm 1964.Đôi vợ chồng họa sĩ Hồ Thành Đức-Bé Ký từ gần bốn chục năm qua hoàn toàn sống bằng nghề hội họa của mình, cho đến nay vẫn tiếp tục sáng tác bên nhau. Thành công của lần triển lãm này đánh dấu những thành tựu sáng tác mới nhất của họ, và các tác phẩm chứa đầy sáng tạo cho thấy chưa có một dấu hiệu mệt mỏi nào của những người đã vào thập niên sáu mươi của cuộc đời.

      Anh Thành

      (Vòng Chân Trời Văn Học Nghệ Thuật,
      Thế Kỷ 21, số 162, tháng 10, 2002)

    2. Bài viết về Hồ Thành Đức

      • Hồ Thành Đức (Huỳnh Hữu Ủy)

      Tác phẩm của Hồ Thành Đức

      • Người họa sĩ ghi lại sinh hoạt đường phố Sài Gòn (Hồ Thành Đức)

      Slide Show

                

  1. © Hoc Xá 2002 (T.V. Phê – phevtran@gmail.com)

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *